facebook com
Thứ tư, 28/10,2015, 10:54

Khó khăn và bất cập trong thực thi các quyết định giải quyết tranh chấp tên miền thông qua con đường hành chính

Trong thời đại thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, website trở thành một phần không thể thiếu đối với các doanh nghiệp. Theo đó, tên miền website được xem như là một tài sản quan trọng, thậm chí được quy đồng với thương hiệu của doanh nghiệp trên internet. Tuy nhiên, các quy định về đăng ký tên miền và giải quyết tranh chấp tên miền tại Việt Nam vẫn còn nhiều mâu thuẫn và bất cập. Đây luôn là chủ đề thảo luận sôi nổi trong các diễn đàn về tên miền trong nhiều năm trở lại đây.

Mâu thuẫn trong quy định của pháp luật

Khi một chủ thể phát hiện chủ thể khác sở hữu tên miền có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì tranh chấp tên miền sẽ xảy ra.

Theo thông lệ quốc tế, tranh chấp tên miền sẽ được giải quyết theo “Chính sách thống nhất giải quyết tranh chấp tên miền” (UDRP) do Tổ chức Quản lý Tên miền và Số hiệu Mạng thế giới (ICANN) phối hợp với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) ban hành. Tại Việt Nam, tranh chấp sẽ được giải quyết theo hướng dẫn của Thông tư số  10/2008/TT-BTTT của Bộ TT&TT và Quyết định số 73/QĐ-VNNIC của Trung tâm Internet Việt Nam.

Điểm chung của những quy định này là tên miền không được xem như đối tượng sở hữu trí tuệ. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên thực tế sẽ không đồng thời có nghĩa là được bảo hộ tên miền trên Internet. Tên miền được đăng ký và cấp theo nguyên tắc “đăng ký trước được quyền sử dụng trước”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tên miền có liên quan trực tiếp đến thương hiệu doanh nghiệp, liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp. Những vụ tranh chấp tên miền rầm rộ trong thời gian qua như BKAV, Viettel và Trung Nguyên là minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này.

Mâu thuẫn xảy ra ngay trong quy định của luật. Theo VNNIC thì tên miền không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ. Nhưng trong Nghị định 99/2013/NĐ-CP luật sở hữu trí tuệ lại quy định xử phạt hành chính với hành vi: “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ”.

Do đó khi tranh chấp xảy ra với tên miền “.VN” thuộc phạm vi điều chỉnh của luật trong nước, tên miền sẽ bị tạm thời ngưng hoạt động chờ xử lý. Nếu xác định đúng cá nhân bị khiếu kiện đăng ký tên miền trùng với nhãn hiệu của đơn vị khiếu kiện nhằm trục lợi hoặc đưa thông tin xấu thì sẽ bị xử phạt hành chính và thu hồi tên miền.
 
tai-xuong.jpg

Khó khăn cho chủ thể đăng ký tên miền

Nhiều doanh nghiệp được bảo hộ thương hiệu không ý thức được tầm quan trọng của tên miền nên không đăng ký sớm. Chủ thể khác có nhu cầu sử dụng muốn đăng ký thì lại có nguy cơ bị thu hồi tên miền theo quy định của Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Chưa kể đến trường hợp lúc chủ thể khác đăng ký tên miền thì nhãn hiệu chưa nổi tiếng. Đến lúc nhãn hiệu nổi tiếng thì doanh nghiệp mới quay sang đòi lại tên miền. Nếu VNNIC không thu hồi tên miền thì sẽ dễ bị chủ thương hiệu kêu là không thực thi quy định của pháp luật. Còn nếu thu hồi tên miền thì sẽ bị chủ tên miền kêu là không theo thông lệ quốc tế khi chủ tên miền không vi phạm các quy định chuyên ngành về viễn thông, Internet.
Hơn nữa, chỉ có tên miền “.VN” mới bị thu hồi, còn tên miền quốc tế thì không thu hồi được. Đây cũng là một vấn đề không công bằng.

Mâu thuẫn xảy ra giữa một bên là kinh doanh phát triển tên miền, một bên là các quy định quản lý chưa thống nhất. Điều này làm chủ thể không yên tâm khi đăng ký tên miền.

Đề xuất của nhà đăng ký

Phát biểu tại hội thảo “Giải quyết khiếu nại, tranh chấp về tên miền và sở hữu trí tuệ” vào ngày 15/10/2015, ông Nguyễn Minh Thái – đại diện cho nhà đăng ký Mắt Bão – chia sẻ: “Cần sớm có chính sách thống nhất về việc giải quyết tranh chấp tên miền. Trong quá trình sửa đổi cần cân nhắc tính đồng bộ trong hệ thống văn bản và cần có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, người làm luật và chính khách hàng sử dụng. Để đảm bảo được tính bình đẳng cho tất cả các loại tên miền (quốc gia và quốc tế), chính sách này nên dựa trên nền tảng của UDRP”.

Vấn đề khó khăn trong việc thực thi các quyết định giải quyết tranh chấp tên miền đã tồn tại gần mười năm nay. Trong bối cảnh Internet phát triển như vũ bão, trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế, vấn đề này cần sớm giải quyết để có thể nâng cao ý thức của người đăng ký tên miền và thúc đẩy lĩnh vực tên miền phát triển.


Marcom Dept.

Thích và chia sẻ bài viết trên Facebook để ủng hộ đội ngũ viết bài của Mắt Bão nhé!
Bài viết liên quan
Đừng bỏ lỡ tin tức mới sẽ giúp ích cho việc kinh doanh của bạn Đăng ký nhận tin, nhận ngay bài haynhững ưu đãi bất ngờ từ Mắt Bão.
Dịch vụ bạn muốn nhận tin
Đọc nhiều nhất