Tại sao cần phải bảo vệ tên miền?
Nếu tôi hỏi bạn: Thương hiệu, bạn có cần phải bảo vệ nó không? Bạn sẽ thấy đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Tất nhiên là có rồi! Tên miền bạn sử dụng cho những website thương mại điện tử cũng quan trọng như tên tuổi, thương hiệu của bạn vậy. Sau một thời gian kinh doanh, tên miền sẽ trở thành thứ đầu tiên để người ta nhớ đến và là thứ quan trọng nhất.
Trong những giai đoạn đầu, bạn có thể sử dụng những chiến lược ngắn hạn như trả tiền để lôi kéo người vào trang web, quảng cáo PPC (pay per click), SEO (search engine optimization), hoặc những phương pháp khác để kiếm được tiền. Tuy nhiên tính đường dài, một doanh nghiệp thương mại điện tử thành công cần phải tự đẻ ra tiền được. Quá phụ thuộc vào việc người ta chủ động tìm kiếm đến bạn, hay cứ phải chi hàng đống tiền cho quảng cáo thì chắc chắn sẽ không giúp doanh nghiệp của bạn tồn tại dài hơi được.
Những doanh nghiệp thương mại điện tử mạnh thì thường cũng là những thương hiệu mạnh nhất. Hầu hết tên của thương hiệu và tên của doanh nghiệp giống nhau, ví dụ như Amazon.com, eBay.com, tiki.vn…
Nếu anh/chị đã là một trong những người đứng đầu trong ngành e-commerce rồi thì xin chúc mừng! Nhưng nếu chỉ là một giọt nước bé nhỏ giữa hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác, bạn nên dành nhiều thời gian suy nghĩ, nghiên cứu và tìm hiểu để chọn một tên miền tốt nhất có thể trường tồn. Hoặc thậm chí chỉ một tên miền vui vui không cần ý nghĩa gì cũng được.. ví dụ như hàivl.com chẳng hạn (nhưng trong năm 2014, Haivl.com đã phải dừng hoạt động do vấn đề liên quan đến pháp luật)
Một khi đã có một tên miền tốt, thậm chí là một tên miền không liên quan gì cả, chúng cũng có thể trở nên nổi tiếng một cách không ngờ trước được. Và điều hiển nhiên là tên miền trở thành một trong những tài sản quý giá nhất. Và tài sản quý giá nhất thì tất nhiên cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Đăng ký bảo hộ thương hiệu cho tên miền
Thật ra thì thủ tục đăng ký báo hộ thương hiệu cho tên miền đều có ở mỗi quốc gia trên toàn thế giới, tuy nhiên thì việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cho tên miền lại rất đắt đỏ, và cơ bản là mất công. Do vậy nhiều doanh nghiệp dùng cách đơn giản hơn là… đăng ký càng nhiều tên miền càng tốt.
Hãy tưởng tượng như này, Amazon.com, họ không mua phủ đầu toàn bộ các tên miền liên quan, thế là có ai đó đăng ký tên miền amazon.xyz. Người này làm nhái lại một website giống hệt Amazon tại địa phương có tên miền cấp cao là .xyz, chất lượng sản phẩm và dịch vụ chắc chắn không bằng Amazon “chính hiệu”, điều đó vô cùng tai hại cho thương hiệu Amazon. Do vậy Amazon phải “phòng cháy hơn chữa cháy” bằng việc đăng ký luôn cả tên miền Amazon.xyz ngay từ đầu, để phòng ngừa hậu họa.
Đăng ký các đuôi tên miền liên quan.
Như đã nói ở trên, vấn đề với những tên miền chưa đăng ký bảo hộ thương hiệu còn nghiêm trọng hơn. Ví dụ như nếu trang web của bạn là BanTrungVitLonOnline.com, ai đó sẽ lén ăn cắp thương hiệu bằng cách đăng ký tên miền y hệt vậy, chỉ khác đuôi tên miền: BanTrungVitLonOnline.net
Trong trường hợp tên miền của bạn là tiếng Anh thì lại càng khó để bảo vệ hơn nữa, thậm chí kiện tụng đôi lúc cũng không có tác dụng. Tệ hơn, nếu kẻ lừa đảo bô bô lên rằng: “Chúng tôi không liên quan gì đến trang BanTrungVitLonOnline.com, trang chúng tôi là .Net, và chúng tôi bán trứng vịt lộn ngon nhất thế giới). Thế là toi cơm.
Để tránh việc bị kéo vào đám mây u ám của việc kiện tụng, nên chịu khó đầu tư một tí và đăng ký vài tên miền cấp cao. Hầu hết các tên miền cấp cao có giá khoảng từ 10-30 đô la một năm. Nhìn thì có vẻ hơi lãng phí đấy, nhưng bạn vẫn có thể sử dụng những tên miền này cho nhiều mục đích khác nhau, dù sao thì ít nhất là bạn có thể yên tâm là mình không bị ăn cắp thương hiệu.
Đăng ký các tên miền gần giống nhau
Nếu tên miền của ban là BanTrungVitLonOnline.com, vài khách hàng có thể gõ nhầm thành TrungVitLonOnline.com hoặc BanTrungVitOnline.com hay TrungVitOnline.com. Dựa vào việc hiểu những lỗi người dùng hay mắc phải, bạn sẽ biết được những tên miền liên quan mà mình cần đăng ký. Ít nhất là phải có đuôi .COM, còn nếu bạn rủng rỉnh thì cứ mua hết cho yên tâm.
Đừng để tên miền bị hết hạn
Bạn sẽ ngạc nhiên đấy, nếu tôi nói rằng có RẤT nhiều những website thương mại điện tử lớn đôi khi cũng “quên” gia hạn tên miền của họ. Lỗi sơ đẳng không thể chấp nhận này thật ra cũng dễ hiểu. Hầu hết các trang thương mại điện tử lớn đều đăng ký dài hạn cho tên miền. Ví dụ khoảng 10 năm chẳng hạn. Chắc chắn họ đã lên kế hoạch để tiếp tục đóng tiền gia hạn. Tuy nhiên 10 năm là một khoảng thời gian không ngắn, dù cho nhà đăng ký tên miền có gửi email nhắc nhở thì đôi khi người đăng ký không còn sử dụng địa chỉ email cũ nữa. Do vậy hậu quả là tên miền bị hết hạn. Và một khi tên miền được chuyển về trạng thái tự do, sẽ luôn có những đối thủ cạnh tranh chờ chực để cuỗm đi tên miền của bạn.