Mất tên miền thương hiệu vì thiếu tầm nhìn
Viettel.com, Viettel.org, Bkav.com, Mobifone.com, Fpt.com... lần lượt rơi vào tay các tổ chức, cá nhân “đầu cơ” tên miền do sự chậm chân hoặc thờ ơ của các DN Việt Nam trong việc nhận diện, quảng bá thương hiệu.
Lãng phí lợi thế
Theo bà Lương Thị Thanh Hương - Giám đốc điều hành Công ty Mắt bão Networks tại Hà Nội, các DN Việt Nam vẫn còn thờ ơ và chưa quan tâm đến việc đăng ký tên miền cho thương hiệu tại các quốc gia khác; chưa có được tầm nhìn xa khi đã bỏ phí lợi thế của tên miền trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Hệ quả của việc bị mất tên miền là rất nghiêm trọng. Bà Hương lấy ví dụ trường hợp thứ nhất là Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, dù đã rất nỗ lực xây dựng thương hiệu Cà phê Chồn trên thị trường Mỹ nhưng ban đầu chỉ đăng ký tên miền legendee.com mà không đăng ký tên miền thương hiệu legendeecoffee.com, để một cá nhân ở Mỹ đăng ký, giờ khó có thể lấy lại. Trường hợp thứ hai là câu chuyện của Bkav, cách đây 10 năm, do chưa có kế hoạch đưa thương hiệu ra toàn cầu nên đã không mua tên miền quốc tế mà chỉ mua tên miền trong nước là Bkav.com.vn. Năm 2012, Bkav đã phải chi 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com từ một cá nhân đã đăng ký từ năm 2001. Tương tự là trường hợp của MobiFone, cũng chỉ đăng ký tên miền Việt Nam mà không đăng ký tên miền quốc tế nên tên miền MobiFone.com đã rơi vào tay một DN ở Trung Quốc.
Ngoài 3 trường hợp mà bà Hương nhắc đến, còn có rất nhiều tên miền của các “đại gia” khác ở Việt Nam rơi vào tay các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Ngay cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cũng bị mất tên miền quốc tế như Viettel.com, Viettel.org, Viettel.net đều thuộc sở hữu của người khác. Trong đó, tên miền Viettel.com bị một người ở Mỹ mua từ năm 1997. Cuối năm 2011, chủ sở hữu tên miền Viettel.com đã rao bán tên miền này với giá 1,5 triệu USD. Tương tự, tên miền quốc tế FPT.com cũng đã được một người Mỹ mua và nắm quyền sở hữu từ năm 1995 - 2012. Còn tên miền VNPT.net và VNPT.com cũng đã được một cá nhân ở Hàn Quốc đăng ký từ năm 2001.
Lý giải vì sao các tên miền của DN Việt dễ rơi vào tay các cá nhân và tổ chức nước ngoài, PGS.TS Trần Văn Hải - Chủ nhiệm Bộ môn Sở hữu trí tuệ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết: “Nguyên tắc chung trên thế giới, tên miền được đăng ký nếu thỏa mãn 2 điều kiện: Duy nhất và ai nộp đơn đăng ký trước thì được cấp trước”. Điều này cũng có nghĩa cơ quan đăng ký tên miền sẽ không tiến hành thẩm định việc đăng ký tên miền của chủ thể này có gây nhầm lẫn với thương hiệu của chủ thể khác hay không. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp và xung đột tên miền ngày càng tăng trong những năm gần đây giữa các cá nhân, tổ chức, DN.
Chủ động đăng ký bao vây tên miền
Trước thực trạng nhiều DN trong nước bị mất tên miền do thiếu tầm nhìn xa, ông Trịnh Đình Long - chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn AMICA đưa ra lời khuyên, các DN cần chủ động đăng ký bao vây tên miền, nhất là trong bối cảnh chi phí để đăng ký và duy trì tên miền hiện rất mềm, chỉ khoảng từ 250.000 - 450.000 đồng/năm. Tuy nhiên, do nguồn lực của DN là có hạn nên không thể bao vây đăng ký tràn lan mà phải có trọng tâm, trọng điểm.
Để tiết kiệm và hiệu quả, DN nên đăng ký tên miền đồng nhất với tên công ty và thương hiệu sản phẩm. Riêng đối với một số DN có chiến lược phát triển ra thị trường quốc tế thì nên đăng ký bao vây thêm một số tên miền quốc tế để dự trữ, tránh tình trạng tên thương hiệu sản phẩm của mình rơi vào tay các tổ chức, cá nhân khác đã nhanh chân đăng ký trước.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty Mắt bão Networks cho biết, nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đã đăng ký tất cả các đuôi tên miền quốc gia của các nước. Ví dụ như Google đã đăng ký bao vây cả tên miền Việt Nam (.vn) cho thương hiệu của mình là Google.com.vn... Nói cách khác, Google đã có tầm nhìn xa khi bao vây tên miền, bảo vệ thương hiệu của mình ở tất cả các quốc gia mà Google hoạt động. Các DN Việt cần xem đây là “tấm gương” để học tập, vì thực tế đã cho thấy, việc lấy lại tên miền thương hiệu vô cùng gian nan và tốn kém. Trường hợp không lấy lại được, DN còn đứng trước nguy cơ bị kẻ xấu thao túng, làm xấu hình ảnh và thương hiệu của DN.
Theo: Báo Kinh tế và Đô thị